Khi bạn mắc bệnh phổi, có thể bạn được yêu cầu làm “Soi phế quản”. Vậy soi phế quản là gì ?
Soi phế quản là thủ thuật y khoa, đưa một ống soi vào trong lòng đường thở của bệnh nhân nhằm mục đích quan sát các tổn thương trên một phần của đường dẫn khí (khí phế quản). Việc soi phế quản có thể được thực hiện với ống soi cứng hoặc ống soi mềm. Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh có soi phế quản, đều thực hiện nội soi phế quản ống mềm do những ưu điểm như: ống soi mềm mại, do vậy dễ đưa ống vào sâu trong lòng các nhánh phế quản nơi mà nếu sử dụng ống soi cứng thường không tiếp cận được. Việc sử dụng ống soi mềm thường được hỗ trợ bởi camere và màn hình, nên việc quan sát tổn thương được dễ dàng hơn, bên cạnh đó dùng ống soi mềm ít gây khó chịu cho bệnh nhân hơn ống soi cứng.
Trước khi soi phế quản, thông thường bác sỹ yêu cầu bệnh nhân làm một số các xét nghiệm bao gồm: đo chức năng thông khí phổi, xét nghiệm đánh giá tình trạng đông máu, tìm trực khuẩn lao trong đờm. Việc làm những xét nghiệm này giúp bác sỹ đánh giá mức độ an toàn khi soi phế quản và làm một số thăm dò trong quá trình cuộc soi diễn ra
Sau khi quan sát hình ảnh khí phế quản, nếu phát hiện bất thường, bác sỹ soi phế quản có thể tiến hành cắt một số mảnh (sinh thiết) của vùng tổn thương hoặc dùng chổi (một thiết bị nhỏ, đầu gắn lông cứng) chải lên vùng tổn thương để lây bệnh phẩm. Trong những bệnh lý nhiễm trùng hoặc một số trường hợp khác, bác sỹ soi phế quản có thể tiến hành rửa phế quản. Dịch rửa sau đó được hút ra ngoài, đựng vào ống đã được khử trùng từ trước. Dịch rửa phế quản thu được thường được gửi đi làm một số các xét nghiệm để tìm căn nguyên gây nhiễm khuẩn phổi hoặc tìm tế bào trong dịch rửa phế quản…
Theo Benhphoi