Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền nhiều bài thuốc, mẹo vặt giúp người bị đau dạ dày thoát khỏi những cơn đau.
Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền nhiều bài thuốc, mẹo vặt giúp người bị đau dạ dày thoát khỏi những cơn đau. Tuy nhiên, không phải bài thuốc nào cũng hiệu nghiệm hoàn toàn. Một vài kinh nghiệm sai lầm sau sẽ khiến cơn đau dạ dày trầm trọng hơn.
Từ những bài thuốc thảo mộc…
Nhiều người thường chuộng các cách chữa đau dạ dày của dân gian vì họ nghĩ rằng, thảo mộc tự nhiên là hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngay cả thảo mộc hay những loại cây trái quen thuộc cũng có thể gây hại nếu được sử dụng không đúng liều lượng và mục đích.
Một trong số những sai lầm nhiều người hay mắc phải chính là bài thuốc từ đu đủ. Nhờ enzyme papain trong đu đủ giúp tiêu hóa protein, chữa rối loạn tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ điều trị viêm dạ dày mạn tính, nên đu đủ từ lâu đã được sử dụng rộng rãi để chữa các chứng đau dạ dày. Thế nhưng, chỉ nên ăn đu đủ với lượng vừa phải vì ăn quá nhiều đu đủ lại không tốt cho những người bị đau dạ dày. Lý do là enzyme papain với lượng lớn sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày. Mặt khác, hàm lượng chất xơ cao của đu đủ cũng có thể góp phần tạo nên tình trạng bất ổn của hệ thống tiêu hóa và mủ trong lớp vỏ đu đủ cũng kích ứng dạ dày bạn.
Bên cạnh đó, người bị đau dạ dày cũng được khuyên là nên ăn chuối để xoa dịu những cơn đau, khuyến khích tái tạo niêm mạc dạ dày, làm vết loét nhanh lành. Thế nhưng, chuối xanh, non lại không tốt cho người đau dạ dày. Theo Livestrong, chuối xanh vốn có hàm lượng tinh bột nhiều gấp 12 lần so với chuối chín, gây nên tình trạng khó tiêu đồng thời sản sinh ra khí trong quá trình tiêu hóa, khiến bạn bị đầy hơi, khó tiêu. Đối với người đang bị đau dạ dày, chuối xanh sẽ khiến cơn đau càng tồi tệ hơn. Do vậy, bạn nên ăn chuối chín chứ đừng ăn chuối xanh non.
… đến cách chữa bằng soda, cơm cháy
Dùng soda để hỗ trợ tiêu hoá từ lâu cũng là một phương pháp được nhiều người tin dùng. Soda với thành phần chính là muối bicarbonat natri khi vào cơ thể sẽ trung hòa axit HCl trong dạ dày làm dịu cơn đau dạ dày. Tuy nhiên bicarbonat natri có khuynh hướng gây nhiễm kiềm chuyển hóa và làm tăng khả năng đầy hơi do bicarbonat natri khi tác dụng với axit dạ dày sẽ sinh ra khí. Mặt khác, do chứa natri nên cần thận trọng khi sử dụng soda cho những bệnh nhân cần kiêng muối nghiêm ngặt như tăng huyết áp, suy tim, suy thận…
Một sai lầm mà nhiều người cũng hay mắc phải đó là ăn cơm cháy để chữa đau dạ dày. Dân gian coi cơm cháy là vị thuốc quý, có tác dụng chữa các chứng đau bụng do tiêu hoá không tốt, chán ăn, tiêu chảy kéo dài… Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh ăn cơm cháy có thể chữa được đau dạ dày. Bên cạnh đó, nếu ăn cơm cháy quá nhiều, bạn sẽ tiêu thụ một số lượng các gốc hữu cơ độc, do protein bị bẻ gãy và phân huỷ gây ra.
Chính vì vậy, khi cơn đau dạ dày ập đến, tốt nhất người bị đau nên nghỉ ngơi thư giãn, tránh căng thẳng áp lực, dùng các phương pháp hỗ trợ, giảm co thắt ở dạ dày như chườm nóng, dùng trà hoa cúc hay trà bạc hà,… Nếu muốn cắt cơn đau nhanh chóng, người bị đau cũng có thể sử dụng các thuốc kháng axit có thành phần muối nhôm (aluminum phosphate) dưới dạng hỗn dịch màu trắng sữa để tạo thành một lớp màng tráng bên trong dạ dày, cắt cơn đau, giảm đau dạ dày nhanh chóng, hết cơn bỏng rát,…
Theo Phunutoday