Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh (TBS) nhưng không có biểu hiện gì do dị tật không nặng, chỉ tình cờ được phát hiện khi khám sức khỏe hoặc khám vì một lý do khác.
Một số dị tật khác cũng hay đi kèm với bệnh TBS như: hội chứng Down, sứt môi – chẻ vòm, thiếu hoặc thừa ngón tay – ngón chân, tật đầu to, đầu nhỏ… Cần đưa trẻ đi khám bệnh ngay nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng khác lạ sau:
– Trẻ hay bị ho, khò khè tái đi tái lại, thở khác thường (thở nhanh, lồng ngực rút lõm khi hít vào), thường bị viêm phổi.
– Trẻ có làn da xanh xao, lạnh, vã mồ hôi. Trẻ bị tím môi, đầu ngón tay, ngón chân, tăng lên khi khóc, khi rặn…
– Trẻ bú hoặc ăn kém, chậm lên cân, thậm chí không tăng cân hay sụt cân. Trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường (chậm mọc răng, chậm biết lật, bò…).
Khi biết con mình mắc bệnh TBS, cha mẹ cần hỏi bác sĩ chuyên khoa tim mạch về tất cả những vấn đề quan tâm như: Đặc điểm tổn thương, diễn tiến của bệnh, cách thức điều trị, nếu có phẫu thuật thì thời điểm nào tốt nhất để phẫu thuật, cách chăm sóc trẻ tại nhà… để có thể hiểu về bệnh của trẻ nhằm xử trí đúng cách.
Theo 24h