Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể có từ dạng đơn giản đến dạng phức tạp. Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể được phân thành nhiều loại và cũng có nhiều cách phân loại dị tật tim bẩm sinh.
Ngày nay người ta thường phân loại các dị tật tim bẩm sinh dựa theo ảnh hưởng của nó đối với các luồng máu chảy trong cơ thể của trẻ.
Các tật tim bẩm sinh ở trẻ em bao gồm:
1. Nhóm tim bẩm sinh không có luồng thông: trong nhóm này thường trẻ không bị tím, lượng máu lên phổi bình thường hoặc giảm, bao gồm Hẹp động mạch phổi, Hẹp động mạch chủ, Hẹp eo động mạch chủ
2. Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ trái sang phải: có lỗ thông đưa máu đi từ các buồng tim bên trái sang tim bên phải. Trong nhóm tim bẩm sinh này, lưu lượng máu đi qua phổi sẽ gia tăng (tăng tuần hoàn phổi) và thường không gây ra triệu chứng tím (trừ khi luồng thông đã bị đảo chiều do áp lực mạch máu phổi gia tăng cao hơn áp lực mạch máu của hệ thống). Bao gồm các dị tật tim bẩm sinh sau:
– Còn ống động mạch (PDA: có ống thông nối từ cung ĐM chủ qua ĐM phổi).
– Thông liên nhĩ (có lỗ thông giữa 2 tâm nhĩ)
– Thông liên thất (VSD: có lỗ thông giữa 2 tâm thất) là dị tật tim bẩm sinh hay gặp nhất
– Kênh nhĩ thất …
3. Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ phải sang trái: có lỗ thông đưa máu đi từ các buồng tim bên phải sang tim bên trái, thường gây ra triệu chứng tím và lưu lượng máu đi qua phổi có thể tăng (tăng tuần hoàn phổi) hay giảm (giảm tuần hoàn phổi).
– Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi tăng, bao gồm những dị tật tim bẩm sinh như:
+ Chuyển vị đại động mạch (bình thường động mạch chủ xuất phát từ thất trái, động mạch phổi xuất phát từ thất phải, nhưng trong dị tật này thì ngược lại)
+ Bất thường tĩnh mạch phổi về tim (bình thường 4 tĩnh mạch phổi phải đổ về tâm nhĩ trái, nhưng trong dị tật này thì tất cả 4 tĩnh mạch phổi không đổ về tâm nhĩ trái hoặc chỉ có 2 tĩnh mạch phổi đổ về tâm nhĩ trái)
+ Tim một thất (tim chỉ có 1 buồng tâm thất)
+ Thiểu sản thất trái (tâm thất trái bị teo nhỏ)
+ Thân chung động mạch (cả 2 động mạch chủ và động mạch phổi cùng xuất phát từ một thân động mạch chung)
– Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi giảm: bao gồm những dị tật tim bẩm sinh có kèm theo hẹp động mạch phổi làm cho lưu lượng máu đi qua phổi giảm, bao gồm như:
+ Tứ chứng Fallot (bao gồm 4 dị tật là hẹp phổi, thông liên thất, động mạch chủ lệch phải cưỡi ngựa trên vách liên thất, phì đại thất phải) là dị tật tim bẩm sinh gây tím thường gặp nhất.
+ Teo van ba lá.
+ Teo van động mạch phổi…
Theo Suckhoedoisong