Người bệnh thường có cảm giác đau nóng rát, nhất là khi gặp thức ăn mặn, chua cay, miệng hôi, lợi đỏ, người cảm giác nóng hay sốt nhẹ, nước tiểu vàng, đại tiện táo, lưỡi đỏ.
Nguyên nhân là do tỳ vị bị bốc hỏa độc, nhiệt độc gây nên, hoặc người bị âm hư sinh nội nhiệt làm hư hỏa bốc lên gây lở loét ở miệng lưỡi. Sau đây là một số bài thuốc trị chứng này.
Bài 1: ngân hoa, liên kiều, cam thảo đất mỗi vị 10g; hoàng cầm, chi tử, sa sâm mỗi vị 12g; mạch môn, bạch thược, sâm đại hành, cát căn mỗi vị 16g; đinh lăng, cỏ mực mỗi vị 20g. Các vị cho vào ấm, lần 1 đổ 1.200ml nước, sắc lấy 200ml, lần 2 đổ 1.000ml sắc lấy 150ml. Hòa hai nước với nhau, hãm sôi, chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 2: trinh nữ, kim ngân mỗi vị 20g; phòng sâm, huyền sâm, lá dâu mỗi vị 16g; bạch thược, long nhãn, hắc táo nhân mỗi vị 12g; trạch tả, chi tử mỗi vị 10g; đan bì, chỉ xác mỗi vị 8g. Các vị cho vào ấm, đổ 1,5 lít nước, sắc lọc bỏ bã lấy 400ml chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 3: cỏ mực, đinh lăng, lá tre, mã đề thảo mỗi vị 20g; đậu đen 40g; cát căn 26g; sài đất, lá dành dành mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Các vị cho vào ấm, đổ 1,5 lít nước, sắc lọc bỏ bã lấy 400ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 4: lá hương nhu trắng, sâm đại hành mỗi vị 16g; sinh địa, huyền sâm, mộc thông mỗi vị 12g; đinh lăng 20g; cam thảo 10g; chỉ xác 8g. Các vị cho vào ấm, đổ 1,5 lít nước sắc lọc bỏ bã lấy 400ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Bài 5 : lá hương nhu và lá vông mỗi thứ 1 nắm, nấu lấy nước để ngậm và súc miệng.
Để tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên dùng món ăn thuốc sau: bí ngô 150g, đậu đen 30g, hạt sen 25g, gạo tẻ 50g, gạo nếp 20g, đường kính vừa đủ. Bí ngô gọt bỏ vỏ thái miếng. Đậu đen và hạt sen rửa sạch. Gạo nếp, gạo tẻ đãi sạch. Cho tất cả vào nồi, đổ nước hầm cho chín kỹ, đậu đen và hạt sen chín mềm, cho đường vào, thêm 2-3 lát gừng đập dập vào quấy đều là được. Múc ra bát ăn nguội. Dùng 3-5 ngày.
Nếu bị viêm loét miệng lưỡi mạn tính , người bệnh cần đi khám toàn diện để có phương pháp điều trị thích hợp, triệt để.
Theo Suckhoedoisong