Cây ngải thường được cuộn thành điếu như điếu thuốc lá, đốt nóng để tác động vào các huyệt, chữa nhiều bệnh khác nhau. Không dùng cách này cho các bệnh nhiệt.
Cách làm điếu ngải: Lấy lá ngải cứu khô vò nát, loại bỏ cành cuống, lấy phần còn lại là ngải nhung đem cuốn thành điếu như điếu thuốc lá hay to hơn tùy theo ý định sử dụng. Điếu ngải được đốt mang tính nóng ấm cao (thuần dương), nên khi dùng để làm nóng (cứu) các huyệt gọi sẽ làm khí huyết lưu thông mạnh, gây ấm nóng cơ thể, giảm đau, sưng, mỏi cơ, tiết dịch, giải độc, làm mềm chỗ cứng và tan máu tụ.
Các phương pháp cứu nóng
Cách cứu bổ: Để điếu ngải hơ lên huyệt đến khi bệnh nhân cảm thấy ấm dễ chịu (cứu ấm), dùng để trị các bệnh hư suy đau yếu.
Cách cứu tả: Đưa điếu ngải gần sát da, bệnh nhân cảm thấy nóng thì đưa lên (cứu mổ cò). Thực hiện 3-5 lần, cách cứu này để chữa các bệnh thực (bệnh mới phát).
Cách xoay tròn: Đặt điếu ngải lên gần huyệt cho vừa đủ ấm thì di chuyển theo vòng tròn từ hẹp ra rộng cho đến khi thấy nóng nhiều ở vùng định cứu là được (làm 2-3 lần), cách cứu này để trị các bệnh ngoài da, mụn nhọt.
Cách rà trên vùng da: Dùng điếu ngải rà trên vùng da, cách 1-2 cm để tìm điểm nóng rát (sinh huyệt), rà với tốc độ vừa phải, khi qua vùng da thấy nóng rát như phải bỏng thì nhấc lên (làm 2-5 lần). Điếu ngải luôn để hơi chếch ngay mặt da, dùng ngón tay út để trên mặt da tạo khoảng cách (như cầm cây bút để viết). Nên bôi một lớp dầu cù là mỏng trước khi cứu, không để tàn rơi xuống da người bệnh.
Cứu nóng dùng để trị các chứng bệnh hàn, bệnh lâu ngày gây hư suy.
Nên cẩn thận không để bị bỏng khi cứu, không để rơi tàn nóng làm bỏng da hay tàn tro bay vào mắt. Thời gian cứu tối đa mỗi huyệt 3-5 phút, không nên lạm dụng đốt cứu quá nhiều ở một huyệt. Cẩn thận với những phụ nữ đang mang thai hay hành kinh, người có làn da mẫn cảm (dị ứng), bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao, người già và trẻ em. Cứu nóng sau bữa ăn là thích hợp nhất.
Theo Suckhoedoisong