Cholesterol là một chất giống chất béo có trong máu và trong hầu hết các tế bào của cơ thể chúng ta. Cơ thể có cholesterol là chuyện hết sức bình thường.
Như một số chất khác trong cơ thể, cholesterol là phần quan trọng trong một cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể chúng ta sử dụng cholesterol để tạo ra màng tế bào và một số nội tiết tố (hormone) quan trọng như nội tiết tố sinh dục chẳng hạn. Cholesterol cũng phục vụ cho các chức năng cần thiết khác của cơ thể.
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một chất giống chất béo có trong máu và trong hầu hết các tế bào của cơ thể chúng ta. Cơ thể có cholesterol là chuyện hết sức bình thường. Như một số chất khác trong cơ thể, cholesterol là phần quan trọng trong một cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể chúng ta sử dụng cholesterol để tạo ra màng tế bào và một số nội tiết tố (hormone) quan trọng như nội tiết tố sinh dục chẳng hạn. Cholesterol cũng phục vụ cho các chức năng cần thiết khác của cơ thể.
Cholesterol lưu hành trong máu được tạo ra hai nguồn, gồm nguồn nội sinh (gan và các tế bào khác trong cơ thể tạo ra khoảng 75% cholesterol máu) và nguồn ngoại sinh (thực phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày tạo ra khoảng 25% còn lại).
Cholesterol trong máu cao đáng sợ không?
Cholesterol được chia ra nhiều loại, nhưng hai loại chính yếu là HDL (cholesterol có lợi) và LDL (cholesterol có hại).
HDL (High Density Lipoprotein – Lipoprotein trọng lượng phân tử cao): có lợi vì nồng độ trong máu của cholesterol HDL cao (trên 60 mg/dl) có tác dụng bảo vệ tim mạch, còn nồng độ HDL thấp (dưới 40 mg/dl) làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho rằng có lẽ HDL vận chuyển cholesterol ra khỏi các động mạch trở về gan để chuyển thành chất khác hay để thải ra khỏi cơ thể, nghĩa là HDL loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi các mảng bám động mạch, làm chậm lại quá trình lắng đọng cholesterol trên thành mạch.
LDL (Low Density Lipoprotein – Lipoprotein trọng lượng phân tử thấp) có hại vì khi nồng độ trong máu của cholesterol LDL cao (trên 160 mg/dl), chúng có thể tích tụ ở mặt trong của thành các động mạch (đặc biệt là các động mạch nuôi tim và não). Sự tích tụ này cùng với các chất lắng đọng khác tạo nên một mảng bám lắng đọng cứng và dày, có thể làm hẹp lòng các động mạch, làm các động mạch kém đàn hồi (thường gọi là mảng xơ vữa). Mảng xơ vữa có thể gặp nhiều nơi trên cơ thể chúng ta như tim, não, mắt, thận…
Như trường hợp anh bạn của tôi đúng là kết quả xét nghiệm máu có nồng độ cholesterol cao (trên 200 mg/dl), nhưng có “ghê gớm” lắm không? Có cần phải hoảng sợ như vậy không? Có cần phải dùng thuốc làm hạ cholesterol trong máu ngay không?
Làm gì khi nồng độ cholesterol trong máu cao?
Nếu nồng độ cholesterol trong máu lớn hơn 200 mg/dl, hãy làm tiếp xét nghiệm về thành phần cholesterol máu. Nếu xét nghiệm tiếp theo cho thấy nồng độ HDL cao, còn nồng độ LDL bình thường hay thấp thì chưa có vấn đề gì nghiêm trọng, cứ tiếp tục ăn uống, sinh hoạt, làm việc bình thường. Bạn đang có “sức khỏe cholesterol” rất tốt.
Trong trường hợp xét nghiệm tiếp theo cho thấy nồng độ LDL cao thì cũng chưa cần dùng thuốc ngay. Bước đầu tiên trong điều chỉnh cholesterol cao là thay đổi lối sống. Hãy tập thể dục, gia tăng các hoạt động như đi xe đạp, đi bộ (nên tận dụng mọi cơ hội đi bộ), tránh ăn uống thực phẩm có nhiều cholesterol, bỏ hẳn thuốc lá và rượu mạnh, riêng bia có thể dùng mỗi ngày một lon 330ml, hay một ly rượu chát 100ml.
Cứ sau ba tháng, sáu tháng, một năm thì kiểm tra xem cholesterol LDL đã về bình thường chưa. Nếu khi kiểm tra lại thấy nồng độ cholesterol LDL vẫn cao, vẫn phải tiếp tục chương trình thay đổi lối sống và đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch hay nội tiết để có chế độ dùng thuốc thích hợp.
Có nên dùng thuốc hạ cholesterol máu?
Thuốc men nói chung và thuốc hạ cholesterol trong máu nói riêng ngoài lợi ích đều có thể có ít nhiều tác hại. Những thuốc hạ cholesterol máu có một số tác động có hại đối với gan, với cơ bắp… mà chúng ta phải cẩn thận theo dõi trong suốt quá trình uống thuốc.
Cần biết rằng việc dùng thuốc làm hạ cholesterol máu có mục tiêu quan trọng nhất là dự phòng (hay nói đúng hơn là làm trì hoãn) các biến cố ở tim, não mà cholesterol máu cao gây ra. Có ba yếu tố tạo ra nguy cơ bệnh tim mạch thường gặp là cholesterol trong máu cao, tiểu đường và cao huyết áp. Theo Genest, J. và cộng sự, yếu tố nguy cơ của cholesterol máu cao trên bệnh tim mạch sẽ tăng lên khi có thêm những yếu tố nguy cơ khác.
Nếu chỉ có cholesterol máu cao thì nguy cơ bệnh tim mạch là 1,3. Khi vừa có cholesterol máu cao vừa bị tiểu đường thì nguy cơ bệnh tim mạch là 2,3; và khi có cả ba thứ thì nguy cơ bệnh tim mạch là 4,5. Nghĩa là, nếu chỉ bị cholesterol máu cao, việc dùng thuốc hạ cholesterol máu cần cân nhắc. Còn nếu ai bị mắc cả ba yếu tố (cholesterol máu cao, tiểu đường, cao huyết áp) thì việc điều trị không chỉ là uống thuốc hạ cholesterol nữa rồi.
Theo Suckhoedoisong